Ông Lê Quốc Minh: Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo trong báo chí rất cần thiết, nếu không sẽ tụt hậu

19-03-2023 00:58

Theo ông Lê Quốc Minh- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo(AI) trong báo chí rất cần thiết và nếu ai đó giờ này nói không nên đầu tư vào AI thì thật sự rất tụt hậu.

Sáng 18/3, tại Bảo tàng Hà Nội, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, Hội Nhà báo Việt Nam kết hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI) và Quản trị sáng tạo nội dung trong toà soạn.

Chủ trì Hội thảo có: Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt  Nam; Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); TS. Nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3); PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.

ong le quoc minh dau tu vao tri tue nhan tao trong bao chi rat can thiet neu khong se tut hau hinh 1

Quang cảnh Hội thảo: Trí tuệ nhân tạo (AI) và Quản trị sáng tạo nội dung trong các toà soạn.

Nội dung xấu độc: Con người làm một thì máy móc làm gấp hàng nghìn lần

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Quốc Minh nêu ra các vấn đề được đông đảo các cơ quan báo chí, người làm báo quan tâm. Trong đó, ông Minh đặt ra vấn đề: Ai là chủ sở hữu các bài viết do trí tuệ nhân tạo làm ra?

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, hiện nay, có một số quy định, luật ở một số nước quy định là nếu con người nhập câu ra lệnh mà không có đóng góp công sức nhiều thì sở hữu này thuộc về chủ sở hữu của hệ thống nhân tạo, nhưng nếu con người làm việc nhiều hơn sẽ là đồng sở hữu của sản phẩm. Tuy nhiên, theo ông Minh, những câu chuyện này sẽ còn gây rất nhiều tranh cãi.

Đặc biệt, ông Lê Quốc Minh nêu ra vấn đề về nguy cơ của hoạt động xuất bản nội dung AI. Theo ông Lê Quốc Minh, trí tuệ nhân tạo sẽ tổng hợp rất nhiều nội dung trên toàn cầu; trong trường hợp những nội dung xấu độc được cơ quan báo chí xuất bản ra thì ai là người chịu trách nhiệm? “Người chịu trách nhiệm xuất bản là người phải chịu trách nhiệm về nội dung. Hay như Fanpage của các cơ quan báo chí có người bình luận xấu, sai lệch thì cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm”, ông Lê Quốc Minh nêu rõ và cho biết, hoạt động xuất bản mà sử dụng AI có nội dung xấu độc, sai lệch nhiều khi không có ý xấu nhưng gom góp nội dung sai thì rủi ro rất cao. Trong sản xuất nội dung thông tin giả (fake news), nếu con người làm 1 thì máy móc làm gấp hàng nghìn lần và có thể ra lệnh một cách đơn giản là ra cả một bài viết. 

“Sản xuất nội dung độc hại không phải mới mà các nhà lobby chính sách, đối tượng muốn lập kênh thu hút kiếm tiền đã làm từ lâu. Người ta phát hiện ra những trang web giả mạo từ Mỹ nhưng thuê nhân viên tận Philippines để sản xuất nội dung. Trong thời kỳ diễn ra bầu cử Mỹ 2016 hay đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 vừa rồi có rất nhiều thông tin giả. Và gần đây đã có những thông tin giả được sử dụng bởi AI tạo ra với tốc độ rất nhanh, sức thuyết phục rất cao.

Hay như hiện nay, ở Việt Nam xuất hiện tình trạng các cuộc gọi lừa đảo bằng hình ảnh. Ví dụ, có thể nhận được 1 cuộc gọi video, người đó lại rất thân quen với mình, nhìn ảnh thấy thuyết phục, có thể nói chuyện 30 giây sau đó lừa đảo bằng cách vay tiền”, ông Minh nêu ví dụ.

ong le quoc minh dau tu vao tri tue nhan tao trong bao chi rat can thiet neu khong se tut hau hinh 2

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt  Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Nội dung nhiều người xem nhưng chưa chắc đã là nội dung hấp dẫn

Vấn đề thứ hai được ông Lê Quốc Minh đặt ra là: AI đang đe dọa nguồn thu của báo chí. Theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay, báo chí “kiếm tiền” đã khó từ báo in, phát thanh truyền hình và kể cả báo điện tử cũng gặp khó. Trước đây, các toà soạn hi vọng trong sự sa sút của báo in thì báo điện tử sẽ gỡ lại một phần nào đó kinh phí, các toà soạn hì hục để thu hút sự quan tâm của người dùng. “Và người ta gọi nền kinh tế của sự chú ý là cơ bản của báo chí. Ngày trước khi làm báo in cố gắng xuất bản hàng nghìn, hàng trăm nghìn bản, hàng triệu bản. Càng nhiều người đọc thì các toà soạn càng có cơ hội bán được quảng cáo với giá cao. Tại sao cùng một tờ báo mà báo Tuổi trẻ bán được giá 10 mà báo khác chỉ bán được có giá 1 bởi nhiều người đọc báo Tuổi trẻ”, ông Minh nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, khi lên đến digital (điện tử) lại là một câu chuyện khác biệt; không còn câu chuyện về chất lượng mà là câu chuyện về trending, keyword, seo; những nội dung là cướp - giết - hiếp và sốc - sex - sến thì thu hút người đọc nhiều hơn, cho nên nhiều người xem nhưng chưa chắc đã là nội dung hấp dẫn. 

Trong khi đó, cùng với việc thu hút đạt được quảng cáo trên điện tử thì lại xảy ra tình trạng là những ông lớn như Facebook hay Google tạo lập ra mạng lưới để quảng cáo. Và dần dần các cơ quan báo chí đều phải cài mã của Facebook hay Google. Trang nào không cài mã của họ sẽ bị đánh tụt index.

Tuy nhiên, xét trong một chừng mực nhất định thì các công cụ tìm kiếm (Search Engine) như Google đang mang lại khoảng 50% lượng traffic (lượng truy cập) cho các cơ quan báo chí. “Cho nên, dù gì vẫn cần đến các Search Engine như vậy”, ông Minh nói và cho biết, các mạng xã hội như Facebook cũng mang lại cho các cơ quan báo chí trung bình từ 15 đến 20% lượng truy cập. 

ong le quoc minh dau tu vao tri tue nhan tao trong bao chi rat can thiet neu khong se tut hau hinh 3

Các đại biểu, khách mời đặc biệt quan tâm đến phần thuyết trình của Nhà báo Lê Quốc Minh tại Hội thảo.

AI ra đời làm thay đổi hoàn toàn cách thức trả kết quả của công cụ tìm kiếm

Theo ông Lê Quốc Minh, khi AI ra đời thì cách thức trả kết quả của công cụ tìm kiếm thay đổi hoàn toàn. Ông Minh nêu ví dụ: “Trước kia khi hỏi 1 câu với một vụ việc nóng là “có 4 cô tiếp viên hàng không bị bắt vì vận chuyển ma tuý” chẳng hạn, nếu gõ lên công cụ tìm kiếm sẽ trả lại 10 đường link, hoặc hàng trăm, hàng nghìn đường link và phải lựa chọn một đường link để đọc tin; kèm theo đó là quảng cáo, lượt truy cập. Nhưng bây giờ ChatGPT hỏi về vụ việc như vậy, nó sẽ tổng hợp hàng nghìn đường link viết thành 1 đoạn rất chi tiết và như vậy người đọc không còn vào trang web của chúng ta nữa. Nguy cơ chúng ta mất 50% lượt truy cập từ các công cụ tìm kiếm là rất rõ và kèm theo đó là mất tiền quảng cáo mặc dù không cao lắm”.

Từ đó, ông Lê Quốc Minh đặt vấn đề: Đầu tư vào AI trong báo chí có cần không? Theo ông Minh, việc đầu tư này rất cần thiết và nếu ai đó giờ phút này nói không nên đầu tư vào AI thì thật sự rất tụt hậu. 

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năm 2017, khi ông làm việc tại TTXVN đã nghiên cứu về AI và bắt đầu áp dụng vào ứng dụng chat box. “Cuối năm 2017, tại Hội nghị báo chí toàn quốc có nói về trí tuệ nhân tạo trong báo chí, lúc đó có vị nói là anh Minh nói chuyện này còn xa xôi lắm, còn lâu mới vào Việt Nam. Ai ở đất nước chúng ta cũng nghĩ chuyện gì xảy ra trên thế giới thì 5, 7 năm nữa mới xảy ra ở Việt Nam hoặc sớm thì phải 3, 4 năm. Nhưng ChatGPT hiện nay xảy ra trên thế giới như thế nào thì xảy ra tại Việt Nam như thế. Cho nên đầu tư vào AI hiện nay là vô cùng cần thiết và cần có cái nhìn rộng hơn”, ông Minh nói. 

Theo ông Lê Quốc Minh, đầu tư AI không phải đơn giản là những công cụ viết bài mà các toà soạn, nhà báo đang rất hào hứng hiện nay mà đầu tư AI là rất nhiều các lĩnh vực khác nhau. 

Ông Minh cho biết, năm 2018, TTXVN đã đưa AI vào nắm bắt hành vi của người dùng, sử dụng toàn bộ hệ thống AI để mỗi người vào xem có hành vi khác nhau, từ đó hiểu biết được người này để trong vòng 1 tuần, 2 tuần sẽ nhắc nhở, kéo người bạn đọc quay trở lại. Hay một người thích đọc tin thể thao thì hệ thống AI sẽ đẩy tin thể thao để thu hút người dùng. Tức là, hệ thống trí tuệ nhân tạo hiểu rõ hành vi của người dùng, cá nhân hoá nội dung, đẩy nội dung đến cho người dùng...

Cùng chuyên mục

Tin mới